Anh cùng con về quê, tối gọi điện ra giọng náo nức: Em ơi buổi tối trăng sáng lắm, sao sáng lắm, gió mát lắm, rải chiếu ra sân ngồi làm ấm trà, ôi ôi ôi hạnh phúc chỉ thế thôi…
Lúc sau khoảng 11h30 gọi điện lại hỏi Diên Khánh ngủ chưa hả anh, anh bảo cả nhà ngủ lăn ra ngoài hiên, hiên rộng nhà bác Mạnh mới xây mờ, chắc phải hơn chục mạng già trẻ. Vui với con vì con cũng đã biết thế nào là ngủ giữa trăng sao và trời đất, nhưng cũng đành bảo chồng: Thôi anh bế nó vào giường đi, không quen lại cảm bỏ xừ.
Ôi nhớ quê quá (quê mình chứ không phải quê chồng, mà nói đúng hơn là nhớ những cái gì gọi là nhà quê, cảnh quê, có dính đến tí đất cát, buổi đêm dậy tè không phải vào WC men sứ gạch bông mà được ro ro xè xè trên nền đất ẩm hơi sương là sung sướng rồi).
Cái nhà cũ của mình ngày xưa, 5 gian cột gỗ, ngói âm dương, lát gạch bát, bậc đá tảng, dỡ từ trên quê xuống theo thuyền về phố. Cái nhà thật là đẹp, đẹp hơn nhiều cái gọi là di sản kiến trúc mà mình từng đi vẽ ghi. Thế nhưng mình nhớ nhất là cái nhà xí. Nó nằm ở một góc vườn rộng, xây bằng gạch tro lò (cho lò?) bố mình tự tay đúc. Đường vào thì đẹp nên thơ não nùng, lối đi nhỏ lát gạch đỏ, hai bên hàng rau ngót thằng tắp, trước cánh cửa gỗ tạp chữ Z rất miền quê Pháp nhợn là bụi thiên lý, đằng sau là cây khế nghiêng nghiêng toả bóng rụng từng mảnh hoa tím. Bậc lên bằng đá tảng. Giấy là bài thi văn sử của học trò LS của ông bà già, thật là ý nghĩa. Cái nhà đẹp như chòi nghỉ mát (pavilion) trong các khu vườn châu Âu mà trong phim các đôi bá tước quận chúa sau yến tiệc đèn nến linh đình thường lôi nhau ra hú hí. 3 năm trước, mình có quả việc thiết kế sân vườn ĐSQ Balan, anh Đại sứ trẻ măng đòi làm quả lầu hóng mát giữa vườn, mình lấy cảm hứng từ cái chốn yêu thích ấy để vẽ, hị hị.
Khoái cảm điên rồ và hợp lý nhất là khi nhét một quyển sách lấy một cách lén lút từ trong giá sách, nhét vào cạp quần, phủ áo ra ngoài (chẳng hiểu sao lại phải ti tiện thế nhỉ, có ai cấm đâu) rồi thủng thẳng đi từ nhà trước qua bếp, qua một giàn nho phủ bóng mát có những con sâu xanh lè, bước vào con đường nhỏ, và thiên đường đang ở trước mặt.
Trong buổi ăn cơm chiều nào đó ngoài sân, bố mình có một đề xuất rất nghiêm túc là làm ở đấy một cái thư viện. Chỉ những quyển đọc đã nhất mới mang để đấy. Ừ mà trong những năm học cấp 1 cấp 2, bao nhiêu Đông tây kim cổ thượng vàng hạ cám đã thu về một mối, từ sách điều lệ Đội TNTP đến Tứ thư ngũ kinh, Quỳnh Dao Liêu Quốc Nhĩ đến Pờ rút. Cuối cấp 2 mấy thằng con trai viết thư cho mình, dek dám đọc trong nhà, dek dám để trong cặp (sợ bị bọn ở lớp lục) suốt ngày giắt cạp quần chờ mang ra nhà xí đọc. Đọc xong rồi xé, sợ cóc dám giữ.
Bà già thu truyện chưởng của học sinh, ông già lấy ra đọc (hồi đấy còn là sách cấm), mình cũng lén đọc, chờ ông già ngủ lén mang ra nhà xí, nhớ quả đầu tiên là Cô gái Đồ long, quả thứ hai là Tiếu ngạo giang hồ, kiếm pháp giết ruồi trong nhà xí của Lệnh hồ đại ca, khoái cảm không bút (bàn phím) nào tả xiết. Mình nghĩ chắc chắn là bố mình biết mình lấy đọc, và ông già ngấm ngầm đồng ý để tạo ra cho mình một cái hạnh phúc thú vị và lén lút của sự ăn vụng.
"Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mọi người dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương… Người ở thành Lê-nin-gờ-rát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va đẹp và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Mạc-tư-khoa nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm để rồi đổ ra đại lộ của thành phố mới, xa nữa là điện Kremlin, những tháp cổ ngày xưa – dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, trở nên lòng yêu Tổ quốc."
(Một nhà văn Liên Xô nào đó, nổi tiếng)
Yêu và nhớ, nhớ WC, nhớ quê, yêu Tổ quốc.
——
Ảnh Diên Khánh chụp tháng 7 – 2006 ở nhà ông bà nội. Năm nay không có ảnh.
Hang Toe writes:Hình như là “Lòng yêu nước” của Irina Erenbua chị ạ, lâu lắm em mới được đọc lại đoạn này.Mà cái cảm xúc này này, “buổi đêm dậy tè không phải vào WC men sứ gạch bông mà được ro ro xè xè trên nền đất ẩm hơi sương là sung sướng rồi,” hihi, tinh tế chị nhỉ, hihi, tại đêm dậy chỉ mắt nhắm mắt mở đi cho khỏi ngã thôi chứ biết sung sướng là gì ạ :p Phải sáng ra kia :>À mà em là cái đứa giống em nhất trong cái ảnh lớp em 😐
Gau truc writes:Này, phản khoa học quá! Thế có bị táo bón ko đấy? Nhà chị ngày xưa ở khu tập thể nên đố ai dám ngồi lâu trong wc bao giờ. Nhưng cái sự say mê xem tranh và đọc truyện của chị thì có biểu hiện từ thời đi học mẫu giáo. Hồi đó suốt ngày xin phép cô đi vệ sinh để được ngồi trong đó xem tranh với đọc sách thôi. Toàn sách giáo khoa ngày xưa ấy.
Tieu Tung Linh writes:Ghớm nhỉ, mới xa nhau có vài ngày mà đã có vẻ nhớ nhung quá.
*Vịt quay* writes:Hay quá chị ơi! Cái đọan miêu tả phía trên “thi vị” hơn cái đọan chữ nghiêng phía dưới…hè hè 🙂
an-tarctica writes:Mẹ bạn DK viết văn rất hay, đúng là con nhà nòi, từ ngữ cực đắt. Nhà ông bà An sắp bán rồi, buồn ghê..Ngày bé chị thích đọc sách ở 3 nơi 3 lúc:- bữa cơm trưa (vì chỉ có bố nên vô tư ko bị mắng), quen đến độ, ko có sách mới phải đọc lại sách cũ ko thì ko tiết được enzyme tiêu hóa- khi đi ngủ chui vào chăn, hé một chút sáng rồi đọc (cái này phải giấu diếm, vừa thích thú vừa lo sợ, bị cấm vì mắt cận quá). Sau này lớn bố mẹ chán, cho thoải mái.- trong wc, không cần sách như enzyme tiêu hóa 🙂 nhưng tăng cảm giác rất nhiều (sozi icon đỏ mặt). Thể loại sách ưa thích lúc này là giáo trình kỹ thuật điện của ông già (ko hiểu vì sao), sách dạy cắt may và sách học tiếng Anh của mẹ (dù chẳng biết chữ nào), hay là các sách cũ đọc lại các đoạn thích. Chứ sách mới thì ko tập trung làm cả việc đọc và việc kia được :)Bố chị ngày xưa dọa là mày ngồi lâu trong đó, hít các phân tử sh.. hại sức khỏe, chị tin sái cổ 🙂
hongnguyenhuong writes::D Ngày bé em cũng khoái mang sách ra WC đọc, mùa hè nóng mồ hôi rỏ tong tỏng mà đọc LQN, QD thấy lê tê phê :DNgày xưa quê ngoại em cũng có 1 cái WC đẹp hơn bất cứ WC thành thị nào – ra đó có đúng cảm giác thứ 1 quận công …, giờ về thấy lên đời men xứ gạch bông mà buồn gì đâu 🙁
Mẹ của Sếu & Dim ngoan writes:Zoe yêu, chả lẽ giờ không tin nữa à?Ôi Diên Cu, hôm qua chị cũng nhớ giàn thiên lý dưới trăng và giọng ca cải lương nghêu ngao của chính mình hồi bé, nhớ quê và buồn. Hôm nay tự nhiên chị thèm được giống em, tin không?
Loan writes:“Lòng yêu nước” của Ilia-Erenbua, híp, vừa nhìn ra bạn Hằng toe comment rồi
Cún writes:Chị ơi, thế cái chòi nghỉ của ĐSQ ấy được bao nhiêu phần của cái chốn yêu thích ấy, hihi. Mà nhà em cũng có cái chòi góc vườn, cũng có cái đoạn lén lút giắt sách vào cạp quần như thế, đọc bài của chị mà nhớ quá đi.
Thúy Hà writes:Đẹp não nùng là từ ăn cắp của bác Vũ Bằng nhé :-DBạn DK giờ cũng vừa ngồi bô vừa đăm chiêu mở sách.Đúng là đọc các đoạn thích của sách cũ sướng hơn nhiều, trong Hồng Lâu Mộng có một câu về Phượng Thư và Giả Liễn sau khi Giả Liễn du Nam đưa quan tài bố Lâm Đại Ngọc trở về “Vợ mới không bằng di xa về” 😛
Frau_Do writes:
Chi oi, vuon xin day ah? Thich nho.
Vuon nha em tan tac lam, khong ai o ma. Nhung me em bao, me lam cua de danh cho 2 co con gai. Hihi, em ma co nhieu xien, em phai lam lai qua vuon xua, se co hang cau…
dragon_baby writes:cái WC đấy còn đến lúc ta về sau này chứ hả bồ? (hồi bé thì chẳng nhớ nổi nữa)
Liz writes:Dạ em quên, trường là trường CVA cấp 2 danh tiếng ạ 🙁
Liz writes:Nhất chị.Cái câu lòng yêu nước mà chị trích dẫn em nhớ cực, vì ông Hưng hồi em học ở đó làm hiệu phó, năm nào khai giảng bế giảng cũng trích dẫn trên micro ở trường, nghe rưng rưng lắm, sau đó thì bóp cổ học sinh ở hành lang. Mất lòng tin từ đấy.
Thúy Hà writes:Khoái cảm điên rồ và hợp lý là từ ăn cắp của bạn Thuý Hằng nhé.Cái WC đấy ở nhà cũ cơ Tiểu long nữ ạ, mày có về nhà đó nhưng hồi ý mày mới khoảng 2 tuổi :PVườn trên ảnh là vườn xịn Frau ạ, nhưng cũng vừa phá đi xây nhà rùi 🙁
Thúy Hà writes:Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mọi người dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng bắc nhớ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-ma hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng Sáu sáng hồng và tiếng cô nàng gọi đùa người yêu. Người xứ Uy-cờ-ren nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy thấy đời sống đầy đủ và phong phú thay, vào lúc thời gian dường như không trôi đi nữa, chỉ tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Giê-oóc-gi ca tụng khí trời của vùng núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang sẽ tu trong bọc đựng bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người ở thành Lê-nin-gờ-rát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va đẹp và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phương mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Mạc-tư-khoa nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm để rồi đổ ra đại lộ của thành phố mới, xa nữa là điện Kremlin, những tháp cổ ngày xưa – dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai. Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Volga, con sông Volga đi ra biển. lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê, trở nên lòng yêu Tổ quốc.—- Chép theo bạn Phương Loan. Dài nhỉ?
lanvi writes:Ui, chị làm em nhớ quê quá!Sống ở thành thị bao năm rồi vẫn không sao nguôi được nỗi nhớ quê, mỗi lúc về quê là mỗi lần thấy bình yên lạ lùng
Mẹ Bin writes:Nhìn cảnh vườn quê cây xanh phủ kín với giàn bầu no tròn thích chị nhỉ:), nhà chồng em cũng thế chị ạ, mỗi lần về quê chồng em thấy cuộc sống thanh bình, thích nhất mỗi lần bê mâm ra ngồi giữa sân rữa bát thật thoái mái, nước múc đầy phủ phê mát rượi:).
Alice HN writes:Tớ cũng hay đọc trong nhà xí. Giờ ngẫm lại thấy mình có khối kiến thức thu được từ nhà xí. Nhưng hồi ấy chả được mang cả quyển vào mà chỉ được xé khoảng 2 tờ một, vì giấy để đi cũng quí, phải tiết kiệm. Nhà tớ toàn xé Tạp Chí Cộng sản. Nhà hàng xóm lấy sách truyện ra nhóm lửa và đi “đồng”, mình cũng đọc ké được vài quyển, quyển nào cũng thiếu ít nhất vài trang. Hậu quả là kiến thức giờ cứ rời rạc, không đến đầu đến đũa :-).
TaLaWho? writes:Hê hê, hai đứa chúng tớ cũng đã về nơi mà tác giả tả trên kia. Cũng đã đi trên con đường nhỏ lát gạch đỏ đó mà chả kịp thấy cái gì nên thơ, và cũng kô kịp nhìn xem hai bên có hàng rau ngót thẳng hay không. Cứ cắm đầu mà chạy thôi, vì đang bị Tào đuổi mà. Tiếc thật, tiếc thật. Nhưng nhà và vườn thì rất hài hoà, cổ xưa và ấm cúng …
TaLaWho? writes:Sai rồi, bạn gái tớ bảo chúng tớ mới đến nhà mới thôi, mẹ Diên Khánh-Thái tả về nhà cũ cơ mà. Dưng mà tớ cũng rất ấn tượng về cái nhà mà chúng tớ đã đến.
Thúy Hà writes:Đúng òi chú ạ, nhà cũ cơ, bán òi hichic :(( Còn cái nhà chú đến giờ cũng thành nhà hoang, rêu phong dấu giày, thi vị cực.
dongvy writes:Ôi trời, toàn “anh em đồng đạo” không à nha. Ở nhà em khi nào thấy bạn Thuyên cuống cuồng chạy đi tìm …sách là biết bạn muốn đi restroom. “Mẹ ơi, phải đem sách vô”Tình hình là …mẹ đọc tới đâu, con…rặn tới đó. He he
Pham Trong Thuat writes:Viết hay thật. Phê nhất đoạn kết, có cái gì đó liên hệ rất mật thiết giữa tình yêu cái nhà xí và tình yêu tổ quốc. Không cần phải viện dẫn cái tên nhà văn Xô Viết ấy đâu ku Hà nhỉ?!
Thuy Linh L writes:Em thích nhất cái entry này của chị. May mà kô có ai ở đây chứ mọi ng lại nghĩ em bị làm sao…Hihi
Thuy Linh L writes:cho em add blog của chị nhé!